Top 5 giống lúa OM được bà con nông dân yêu thích
Giống lúa OM 5451
Giống lúa OM 5451 là giống lúa thuần được lai tạo bởi tổ hợp giống Jasmine 85 và OM 2490 tại VLĐBSCL. Giống lúa OM 5451 có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 88 – 93 ngày (lúa sạ) trong vụ Đông Xuân, từ 90 – 95 ngày trong vụ Hè Thu. Chiều cao trung bình của cây khoảng từ 95 – 100 cm, lúa trổ tập trung. Năng suất của giống lúa này khá cao và ổn định trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Đông Xuân cho năng suất khoảng 7-9 tấn/ha, Hè Thu đạt 6-7 tấn/ha.
Ngoài cho năng suất cao thì phẩm chất gạo của giống lúa này cũng được đánh giá tốt. Giống lúa OM5451 cho hạt gạo có phẩm chất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hình dáng thon dài (khoảng 6.6 mm), ít bạc bụng, có màu trắng đục giống màu sữa. Cơm của giống lúa này dẻo vừa và mềm, không bị cứng ngay cả khi để nguội, rất được người tiêu dùng yêu thích.
Giống lúa này có khả năng chống chịu bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá khá, chống chịu khá đối với đạo ôn, rầy nâu, khả năng đẻ nhánh mạnh. OM 5451 có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau bởi đặc tính chịu mặn, chịu phèn. Đặc biệt thích hợp sinh trưởng và đẻ nhánh tốt khi sạ thưa với mật độ gieo sạ 120kg/ha. Ngoài ra, giống lúa OM5451 còn nhẹ phân, đẻ nhánh khỏe, lá đồng thẳng trổ nhanh, tập trung, ít nhiễm sâu bệnh và đặc biệt kháng rầy tốt.
> Xem thêm: Giống lúa OM 5451 – Tây Đô JSC
Giống lúa OM 18
Giống lúa OM 18 là sản phẩm của sự lai tạo giữa các giống OM 8017 và OM 5166 bởi Bộ môn Công nghệ sinh học – Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Với thời gian sinh trưởng khoảng từ 95-100 ngày (lúa sạ) và 100-105 ngày (lúa cấy), đây là một trong những giống lúa ngắn ngày được yêu thích nhất hiện nay. Giống lúa OM 18 cho năng suất khá cao so với các dòng lúa thuần khác. Năng suất trung bình của giống lúa này là 7-8 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 5-6 tấn/ha trong vụ Hè Thu.
Phẩm chất của hạt gạo OM 18 đạt tỷ lệ gạo lứt 78-79%, gạo trắng 67-68%, gạo nguyên 40-45%, chiều dài hạt gạo 7,0-7,1mm. Hạt gạo của giống lúa này thon dài, có vị ngọt và cơm mềm, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tiêu dùng nội địa mà còn đạt chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa OM 18 có khả năng kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), và chống chịu mặn 3-4‰. Giống lúa này có thể canh tác được trong nhiều vụ trong năm, đặc biệt phù hợp cho các vùng sinh thái ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng bị nhiễm mặn.
> Xem thêm: Giống lúa OM 18 – Tây Đô JSC
Giống lúa OM 380
Giống lúa tiếp theo trong top 5 giống lúa OM được bà con yêu thích nhất phải kể đến là OM 380.
Giống lúa OM 380 được tạo ra bởi Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long từ việc kết hợp hai giống lúa IR 50404 và OM 5472, và được Hội đồng cơ sở phê duyệt vào tháng 09 năm 2017. Đây là một giống lúa thuần được trồng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giống lúa này cũng rất linh hoạt trong việc thích nghi với các điều kiện khí hậu và môi trường khác nhau. Luôn đảm bảo mang đến năng suất và chất lượng sản phẩm ổn định nhất cho bà con nông dân. Thời gian sinh trưởng của giống lúa OM 380 chỉ từ 93-98 ngày và đẻ nhánh tốt, nên việc trồng với mật độ thấp là tốt nhất để đảm bảo cây có đủ không gian để phát triển.
Năng suất của giống lúa này khá cao, đạt khoảng 6.5 – 8.5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 4.0 – 6.0 tấn/ha trong vụ Hè Thu, tương đương với các giống lúa OM 5451 hay OM 18. Hạt gạo của giống lúa OM 380 có hình dáng thon, độ dài khoảng 6.8mm, tỷ lệ bạc bụng cấp 9 với tỷ lệ 3-4% và độ trở hồ cấp 3. Trọng lượng 1000 hạt trung bình là 25-26g, có độ trong và đẹp, cơm nấu lên trắng mềm và đạt tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Giống lúa OM 380 còn được ưa chuộng bởi khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tiết kiệm chi phí chăm sóc cho người nông dân. Giống lúa OM 380 có khả năng chống chịu với một số sâu bệnh tốt, nhưng vẫn có thể bị nhiễm với đạo ôn cấp 7 và rầy nâu cấp 6. Tuy nhiên, với kỹ thuật canh tác phù hợp, việc kiểm soát sâu bệnh sẽ được đảm bảo và năng suất cây trồng sẽ được tối ưu hóa.
> Xem thêm: Giống lúa OM 380 – Tây Đô JSC
Giống lúa OM 4900
Giống lúa OM 4900 là một giống lúa thuần chủng được tạo ra bằng phương pháp lai cổ truyền bởi Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, kết hợp giữa giống bố là Jasmine 85 và giống mẹ là C53 (Lemont). Việc sử dụng kỹ thuật trợ giúp của dấu chuẩn phân tử (MAS) đã giúp các nhà khoa học chọn lọc các đời con lai của giống lúa OM 4900, kết hợp các đặc tính di truyền cho năng suất cao, mùi thơm và hàm lượng amylose thấp.
Giống lúa OM 4900 được đánh giá là một trong những giống lúa chất lượng cao trên thị trường hiện nay, được lai tạo chọn lọc để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa của nông dân và thị trường. Giống lúa này được xem là thành tựu của sự kết hợp giữa kinh nghiệm và kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Các thông số kỹ thuật của giống lúa OM 4900 bao gồm: thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, chiều cao trung bình của cây lúa 114cm, năng suất trung bình dao động từ 5-7 tấn/ha (tuỳ vụ mùa), chịu phèn, mặn ở mức 2-3%, phản ứng với đạo ôn ở cấp 5, phản ứng với rầy nâu ở cấp 3-5 và trọng lượng 1000 hạt là 29,8g.
> Xem thêm: Giống lúa OM 4900 – Tây Đô JSC
Giống lúa OM 344 (Thiên Châu 16)
Giống lúa OM 344 có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày và đạt chiều cao từ 100-110cm. Cây lúa thuộc loại 1 với khả năng đẻ nhánh tốt, đạt số bông/m2 trong khoảng 280-340 bông/m2. Chất lượng hạt của giống lúa này đạt từ 80-120 hạt chắc/bông với trọng lượng 1.000 hạt là 24-26 gram. Năng suất tiềm năng đạt được là khoảng 6,0-8,0 tấn/ha.
Chất lượng gạo của giống lúa OM 344 – Thiên Châu 16 được đánh giá là tốt, với tỉ lệ hạt nguyên trong khoảng 43-58%, tỷ lệ bạc bụng dưới 1%, chiều dài hạt từ 6,6-7,0mm và tỷ lệ D/R đạt 2,9-3,2. Gel của giống lúa này có độ đặc từ 90-100mm và hàm lượng amyloza từ 15-16%, Giống lúa OM 344 cho phẩm chất gạo tốt, gạo thu được từ giống này có màu trắng, sạch, mềm, ngọt và ngon.
OM 344 có khả năng chống chịu với bệnh đạo ôn (cấp 5) và rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện sàng lọc nhân tạo. Giống lúa này phù hợp cho cả vụ Hè Thu và Đông Xuân tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện tại, sản xuất và phân phối giống lúa này đã được ủy quyền cho Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Giống cây trồng Miền Nam.
Lưu ý khi trồng giống lúa OM
Nhìn chung các giống lúa OM đều có đặc tính tương đồng nhau. Tuy nhiên vẫn có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau và với từng giống lúa sẽ phù hợp với từng loại thổ nhưỡng đất khác nhau và kỹ thuật canh tác cũng khác nhau. Để canh tác thành công và cho năng suất cao, bà con cần tìm hiểu kỹ các đặc tính của giống lúa đó.
Ngoài ra trước khi gieo trồng, nên tham khảo ý kiến của kỹ sư nông nghiệp địa phương để có được phương pháp canh tác tối ưu nhất. Trong lúc lúa phát triển, bà con nhớ thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các loại bệnh hại và chữa trị kịp lúc. Bà con cũng đừng quên việc bón phân định kỳ và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý nhất để vừa cho năng suất cao và bảo vệ môi trường.
Tổng kết
Nhìn chung, các giống lúa OM đều cho chất lượng gạo tốt, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và có thể xuất khẩu. Giá trị kinh tế của các giống lúa OM cũng đang dần cải thiện và mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuỳ vào đặc điểm thổ nhưỡng, tình hình lúa gạo và nhu cầu thị trường mà bà con có thể chọn lựa giống lúa OM phù hợp để gieo trồng.
Trên là top 5 giống lúa OM được bà con nông dân yêu thích nhất hiện nay. Tây Đô JSC hy vọng đã cung cấp được những thông tin hữu ích cho bà con. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng sản phẩm vui lòng liên hệ qua hotline 0272 3 759 618. Kính chúc bà con luôn có những vụ mùa bội thu.